GD&TĐ - Theo PGS.TS Hoàng Hoà Bình (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), khi dạy học theo phương pháp tổ chức hoạt động, giáo viên có 3 việc phải làm.
Giao việc cho HS
Nội dung của công việc này là cho học sinh (HS) trình bày yêu cầu của câu hỏi, bài tập trong SGK.
Cho HS thực hiện một phần câu hỏi, bài tập trong SGK (làm thử, làm mẫu) nếu nhiệm vụ đặt ra trong những câu hỏi, bài tập ấy là khó hoặc mới đối với HS. Sau khi cả lớp đã hoàn thành nhiệm vụ làm thử, GV tổ chức chữa bài để giúp HS nắm được cách làm.
Nêu yêu cầu về hình thức hoạt động của HS để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã giao. Có ba hình thức hoạt động là làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc theo lớp.
Trong phần lớn các trường hợp, nhất là trong trường hợp câu hỏi, bài tập đề ra đã rất cụ thể, HS được tổ chức làm việc độc lập. Trong trường hợp câu hỏi, bài tập tương đối trừu tượng hoặc đòi hỏi một sự khái quát nhất định và trong trường hợp nếu làm việc chung theo đơn vị lớp sẽ có ít HS được hoạt động thì làm việc theo nhóm là giải pháp tốt nhất.
Hình thức làm việc chung theo đơn vị lớp được áp dụng chủ yếu trong trường hợp GV thực hiện các khâu giới thiệu bài, củng cố bài, nêu những câu hỏi không yêu cầu phải suy nghĩ lâu hoặc để HS trình bày kết quả làm việc.
Tổ chức cho HS làm việc
Hoạt động của HS trong giờ học theo PP tổ chức hoạt động là hoạt động giao tiếp (đọc, viết, nghe, nói), phân tích, tổng hợp, cảm thụ, thực hành lí thuyết,… Trong quá trình HS làm việc, GV cần kiểm tra công việc của các em. Nội dung kiểm tra là:
Xem HS có làm việc không; nếu HS không làm việc thì cần tìm hiểu lí do, động viên các em làm việc để đảm bảo yêu cầu tích cực hoá hoạt động học tập của người học.
Xem HS có hiểu việc phải làm không; nếu HS không hiểu việc phải làm thì cần giải thích, hướng dẫn lại cho HS làm để hoạt động của các em đạt được mục đích đề ra.
Trả lời thắc mắc của HS.
Tổ chức cho HS báo cáo và đánh giá kết quả làm việc
HS có thể báo cáo trực tiếp với GV, báo cáo trong nhóm, báo cáo trước lớp. Các hình thức báo cáo có thể là: báo cáo bằng miệng, bằng phiếu học tập hoặc bằng cách trình bày trên bảng, trên máy chiếu,...
Theo PPDH mới, người đánh giá HS không nhất thiết là GV. Có thể hướng dẫn để HS tự đánh giá nhau trong nhóm hoặc trước lớp. Các biện pháp đánh giá có thể là: khen, chê (định tính) hay cho điểm (định lượng).
Cuối cùng, GV nêu vấn đề và tổng kết (nếu cần).