Hoà trong không khí cả nước tưng bừng, phấn khởi hướng tới kỉ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), sáng ngày 17 tháng 04 năm 2023, trong buổi chào cờ đầu tuần, thầy và trò trường THCS Sài Đồng cùng ôn lại những ngày tháng lịch sử hào hùng và đầy tự hào của đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Tổng Phụ trách Đội đọc diễn văn kỉ niệm.
Năm 1954, khi Hiệp định Giơ – ne – vơ được kí kết đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai (1945 – 1954). Nhưng với dã tâm xâm lược, nô dịch của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, ngay sau khi Pháp rút quân khỏi Việt Nam, đế quốc Mĩ liền thay thế Pháp tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà thực dân Pháp đã không thực hiện được. Mĩ dựng lên các chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự của Mĩ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đàn áp áp phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới. Như vậy, Hiệp định Giơ – ne – vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được cộng đồng quốc tế ghi nhận đã bị Mĩ chính thức xé bỏ.
Nhân dân Việt Nam không có mong muốn gì hơn, đó là đất nước được độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình được thực hiện, đất nước đi tới thống nhất bằng một cuộc Tổng tuyển cử tự do, theo đúng điều khoản của Hiệp định Giơ – ne – vơ đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhưng mong muốn chính đáng đó của nhân dân ta cũng không được Mĩ tôn trọng và một lần nữa quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam phải tiếp tục đứng lên tiến hành kháng chiến chống Mĩ, cứu nước từ năm 1954 – 1975.
Thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" và thực hiện Di chúc của Người:
"Cuộc kháng chiến chống Mĩ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn.
“Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!"
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta kiên trì, kiên quyết tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và từng bước giành được nhiều thắng lợi to lớn như:
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được kí kết. Theo đó, Mĩ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Rút toàn bộ quân đội của mình, quân đồng đồng minh về nước. Hủy bỏ các căn cứ quân sự; cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Với thắng lợi to lớn của Hiệp định Paris, quân và dân ta đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ "Đánh cho Mĩ cút", làm cho tương quan lực lượng ở miền Nam Việt Nam có sự thay đổi to lớn có lợi cho cách mạng nước ta.
Lễ kí kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973
Tuy nhiên, khi bản Hiệp định Paris được kí chưa ráo mực, Mĩ tiếp tục viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa với âm mưu phá hoại Hiệp định Paris, tái chiến các vùng giải phóng. Trong bối cảnh đó, Đảng tiếp tục xác định
"kẻ thù của nhân dân ta vẫn là đế quốc Mĩ và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu…Cách mạng miền Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân…bằng con đường bạo lực cách mạng."
Cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng. Đặc biệt là sau chiến thắng đường số 14 – Phước Long. Với chiến thắng đường số 14 – Phước Long cho thấy: Quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn suy yếu; Sự can thiệp trở lại của Mĩ là rất thấp và yếu ớt, Tổng thống Mĩ Gerald Ford đã tuyên bố vào tháng 4/1975 rằng "Vấn đề của miền Nam Việt Nam đã nằm ngoài chương trình nghị sự của Mĩ." Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống Chính phủ Sài Gòn.
Với thuận lợi đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch Giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và năm 1976. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh "Cả năm 1975 là thời cơ và chỉ rõ nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975."
Bộ Chính trị họp Hội nghị mở rộng quyết định kế hoạch giải phóng miền Nam
Với quyết định trên của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 chính thức diễn ra với 3 chiến dịch là: Chiến dịch Tây Nguyên; chiến dịch Huế - Đà Nẵng; và đặc biệt là chiến dịch giải phóng Sài Gòn được Bộ Chính trị đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 26/4 - 30/4/1975. Ngày 26/4, 5 cánh quân của ta vượt các tuyến phòng thủ của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
10h 45p ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 do Đại tá Bùi Quang Thận chỉ huy đã húc đổ cổng phụ của Dinh Độc Lập và chiếc xe tăng mang số hiệu 390 Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Nội các Chính quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Hai chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 và 390 tiến vào Dinh Độc Lập
11h 30p cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuộc Tổng tiến công và nội dậy xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ "Đánh cho Ngụy nhào", kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975). Thắng lợi đó mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Với ý nghĩa lịch sử lớn nao đó, thầy và trò trường THCS Sài Đồng ngày hôm nay đã cùng nhau ôn lại quãng thời gian hào hùng này bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như: Cuộc thi Tìm hiểu về Chiến thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; Hát vang những bài ca cách mạng…Những hoạt động này thực sự đã đem lại cho các em học sinh những trải nghiệm ý nghĩa, qua đó các em hiểu thêm về những trang sử hào cùng của dân tộc ta.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi tuyên truyền: