BÀI VIẾT VỀ CHỦ ĐỀ “ TUẦN
LỄ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM”
Biển
đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng
tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá”. Có thể nói, từ bao đời
nay biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim
mỗi người dân đất Việt. Biển đảo chính là một món quà vô giá mà thiên nhiên ưu
đãi, lịch sử hào hùng trao tặng chúng ta.
Đất nước Việt Nam chúng ta nằm trong bán đảo Đông Dương, thuộc vùng Đông
Nam Châu Á. Đất nước Việt Nam với hình chữ S, có bờ biển dài khoảng
3.260 km từ Bắc xuống Nam chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/ 1 km bờ biển và
hơn 3.000 hòn đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng
Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam đã được lịch sử chứng minh qua nhiều
thế hệ.
Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành
phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với
đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Trong
thời đại hòa bình hôm nay, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia ven biển có
những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế
giới, biển đảo càng có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù
đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Như vậy có tới 2/3 các
cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển để tấn công xâm lược nước ta và
đã bị vùi thây tại những tuyến phòng thủ này.
Bước sang thế kỷ 21, “Thế kỷ của biển và đại dương”,
các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, vì thế các quốc gia
ngày càng quan tâm tới nguồn tài nguyên từ biển cả, nơi bắt đầu các mưu đồ đe
dọa hòa bình: Trường Sa – Hoàng Sa giờ đây là tâm điểm.
Thời gian gần
đây những căng thẳng về tranh chấp ở biển Đông diển biến ngày càng phức tạp và
điều này thật sự đáng quan ngại về tình hình chính trị trong khu vực nói riêng
và thế giới nói chung. Đối với Việt Nam việc Trung Quốc có những hành vi xâm phạm
đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian vừa qua như: sự kiện
giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào khu vực biển Đông gần quần
đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014 và tiến hành cải tạo với quy mô lớn
các thực thể là bãi đá ngầm đang thuộc quần đảo Trường Sa.
Đây thật sự là những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên
bố: "Mọi hoạt động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn phi
pháp và vô giá trị". Với tình hình diễn biến phức tạp đối với tranh chấp
giữa Việt Nam và Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Việt Nam, Đảng
ta đã có sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt nhằm giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh
thổ, không giải quyết tranh chấp bằng bạo lực quân sự. Điều này đã tạo được
sự thành công nhất định như với việc đấu tranh giải quyết tranh chấp bằng con
đường ngoại giao là Trung Quốc đã rút giàn khoan HD 918 ra khỏi vùng
biển Việt Nam.
Trước tình hình phức tạp của vấn đề biển Đông
vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp Nhà nước đã ban hành Luật biển Việt Nam.
Đây là điều vô cùng cần thiết để chúng ta có căn cứ pháp lí bảo vệ chủ quyền
biển đảo quê hương. Luật biển Việt Nam được ban hành dựa trên các căn cứ pháp
lí sau:
- Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982;
Nghị quyết Đại hội lần thứ X, Đại hội lần thứ XI của Đảng; các Nghị quyết của
Đảng, Chỉ thị của Nhà nước về phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc
phòng, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 30-5-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến
năm 2020.
- Các Tuyên bố của Chính phủ về chế độ và phạm vi các vùng biển
Việt Nam bao gồm: Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố của Chính
phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật
Biên giới quốc gia năm 2003; và các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh
vực chuyên ngành về biển.
- Tổng kết kinh nghiệm quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo và quá trình
đổi mới việc quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia trong thời gian qua.
- Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, các điều ước song
phương về phân định ranh giới các vùng biển giữa Việt Nam với các nước láng
giềng như Hiệp định năm 1997 về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa với Thái Lan, Hiệp định năm 2000 phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định năm 2003 phân
định thềm lục địa với In-đô-nê-xia.
- Tham khảo kinh nghiệm quản lý, bảo vệ vùng biển và luật pháp về
biển của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Ấn
Độ…
Như vậy,việc ban hành Luật biển Việt Nam là
nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển,
đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá
trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên
thế giới. Do đó, Luật biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về cả đối nội và đối
ngoại. Việc Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp
quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của đất
nước. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý
các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng
Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản
lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam.
QUỐC HỘI
_________
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________
|
Luật số: 18/2012/QH13
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2012
|
LUẬT
BIỂN VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật biển Việt Nam.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp
giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng
Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền
tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển
kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Điều 2. Áp dụng pháp luật
1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy
định của luật khác về chủ quyền, chế độ pháp lý của vùng biển Việt Nam thì áp
dụng quy định của Luật này.
2. Trường hợp quy định của Luật này khác với quy định của điều ước
quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng
quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật
Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển
năm 1982.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển
1. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định
của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước
quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Chính sách quản lý và bảo vệ biển
1. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần
thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng
biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế
biển.
Điều 6. Hợp tác quốc tế về biển
1. Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ
chức quốc tế và khu vực trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Điều 7. Quản lý nhà nước về biển
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả
nước.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ven
biển trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện
quản lý nhà nước về biển.
Chương II
VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 8. Xác định đường cơ sở
Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ
sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở
những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê
chuẩn.
Điều 9. Nội thuỷ
Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ
sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
Điều 10. Chế độ pháp lý của nội thuỷ
Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối
với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.
Điều 11. Lãnh hải
Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở
ra phía biển.
Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của
Việt Nam.
Điều 12. Chế độ pháp lý của lãnh hải
1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh
hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với
Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua
không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực
hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ
quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Điều 13. Vùng tiếp giáp lãnh hải
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh
hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
Điều 14. Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải
1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và
các quyền khác quy định tại Điều 16 của Luật này đối với vùng tiếp giáp lãnh
hải.
2. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm
ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất
nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.
Điều 15. Vùng đặc quyền kinh tế
Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh
hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý
tính từ đường cơ sở.
Điều 16. Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế
1. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:
a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn
tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy
biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh
tế;
Điều 17. Thềm lục địa
Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền
và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ
đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
Điều 18. Chế độ pháp lý của thềm lục địa
1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm
dò, khai thác tài nguyên.
Điều 19. Đảo, quần đảo
1. Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều
lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.
Điều 20. Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo
1. Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh
tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa.
Điều 21. Chế độ pháp lý của đảo, quần đảo
1. Nhà nước thực hiện chủ quyền trên đảo, quần đảo của Việt Nam.
Chương III
HOẠT ĐỘNG TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 22. Quy định chung
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải tôn
trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và
lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp
luật quốc tế có liên quan.
Điều 23. Đi qua không gây hại trong lãnh hải
1. Đi qua lãnh hải là việc tàu thuyền nước ngoài đi trong lãnh hải
Việt Nam nhằm một trong các mục đích sau:
a) Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam, không neo
đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy
Việt Nam;
b) Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy Việt Nam hay đậu lại hoặc rời
khỏi một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam.
Điều 24. Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại
1. Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt
Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật
Việt Nam về nội dung sau đây:
a) An toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển, tuyến hàng
hải và phân luồng giao thông;
Điều 25. Tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải
phục vụ cho việc đi qua không gây hại
1. Chính phủ quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng
giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an
toàn hàng hải.
Điều 26. Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải
1. Để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia
hoặc an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc
phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh, Chính phủ
thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt
Nam.
Điều 27. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt
Nam
1. Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài chỉ được đi
vào nội thủy, neo đậu tại một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội
thuỷ hoặc công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam ở bên ngoài nội
thủy Việt Nam theo lời mời của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa các
cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với quốc gia mà tàu mang cờ.
Điều 28. Trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của
nước ngoài trong vùng biển Việt Nam
Điều 29. Hoạt động của tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác
của nước ngoài trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam
Điều 30. Quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng tuần tra,
kiểm soát trên biển có quyền tiến hành các biện pháp để bắt người, điều tra đối
với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền nước ngoài sau khi rời khỏi nội thủy và
đang đi trong lãnh hải Việt Nam.
Điều 31. Quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài
1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển không được buộc tàu
thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải phải dừng lại hoặc thay đổi hành trình
chỉ vì mục đích thực hiện quyền tài phán dân sự đối với cá nhân đang ở trên tàu
thuyền đó.
Điều 32. Thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu của
Việt Nam
Tổ chức, cá nhân và tàu thuyền khi ở trong các cảng, bến hay nơi
trú đậu trong nội thuỷ hay trong công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt
Nam ở bên ngoài nội thủy Việt Nam chỉ được tiến hành thông tin liên lạc theo
đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.
Điều 33. Tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ
1. Trường hợp người, tàu thuyền hoặc phương tiện bay gặp nạn hoặc
nguy hiểm trên biển cần sự cứu giúp thì phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy
định và khi điều kiện cho phép phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải hay
Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam hay nhà chức trách địa
phương nơi gần nhất biết để được giúp đỡ, hướng dẫn cần thiết.
Điều 34. Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển
1. Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm:
a) Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc
khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các
thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển;
Điều 35. Gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển
1. Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá
nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có
liên quan đến việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Điều 36. Nghiên cứu khoa học biển
Điều 37. Quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
Việt Nam
Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến
hành các hoạt động sau đây:
1.
Đe dọa chủ quyền, quốc phòng,
an ninh của Việt Nam;
2.
Khai thác trái phép tài nguyên
sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép;
3.
Khai thác trái phép dòng chảy,
năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác;
4.
Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái
phép các thiết bị, công trình nhân tạo;
5.
Khoan, đào trái phép;
6.
Tiến hành nghiên cứu khoa học
trái phép;
7.
Gây ô nhiễm môi trường biển;
8.
Cướp biển, cướp có vũ trang;
9.
Các hoạt động bất hợp pháp khác
theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Điều 38. Cấm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, chất nổ,
chất độc hại
Điều 39. Cấm mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái
phép chất ma túy
1. Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá
nhân không được mua bán người, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất
ma túy.
Điều 40. Cấm phát sóng trái phép
Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá
nhân không được phát sóng trái phép hoặc tuyên truyền, gây phương hại cho quốc
phòng, an ninh của Việt Nam.
Điều 41. Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài
1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu
thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu
thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.
Chương IV
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
Điều 42. Nguyên tắc phát triển kinh tế biển
Phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả theo các nguyên tắc sau
đây:
1. Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an
ninh và trật tự an toàn trên biển.
3. Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
biển.
Điều 43. Phát triển các ngành kinh tế biển
Điều 44. Quy hoạch phát triển kinh tế biển
Điều 45. Xây dựng và phát triển kinh tế biển
1. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh
tế, cụm công nghiệp ven biển, kinh tế các huyện đảo theo quy hoạch, bảo đảm
hiệu quả, phát triển bền vững.
Điều 46. Khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các
đảo và hoạt động trên biển
1. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu
cần biển, phát triển kinh tế các huyện đảo; có chính sách ưu đãi để nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần của dân cư sinh sống trên các đảo.
Chương V
TUẦN TRA, KIỂM SOÁT TRÊN BIỂN
Điều 47. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển
1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm:các lực lượng
có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần
tra, kiểm soát chuyên ngành khác.
Điều 48. Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên
biển
1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có nhiệm vụ sau đây:
a) Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích
quốc gia trên các vùng biển, đảo của Việt Nam;
b) Bảo đảm việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc
tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Điều 49. Cờ, sắc phục và phù hiệu
Chương VI
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 50. Dẫn giải và địa
điểm xử lý vi phạm
Điều 51. Biện pháp ngăn
chặn
1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt, tạm giữ,
tạm giam; tàu thuyền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tạm
giữ nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để bảo đảm việc xử lý theo pháp
luật.
Điều 52. Thông báo cho Bộ Ngoại giao
Khi tiến hành bắt, tạm giữ, tạm giam người có hành vi vi phạm pháp
luật, hoặc tạm giữ tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên
biển hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho Bộ
Ngoại giao để phối hợp xử lý.
Điều 53. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật
này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm
hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp
luật.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 54. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Điều 55. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản
được giao trong Luật.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Sinh Hùng