Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Mắt trung ương cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) có sự gia tăng trong tháng 6-2023, bệnh viện ghi nhận gần 1.700 ca đau mắt đỏ, đến tháng 7 tăng lên gần 2.600 ca. Từ đầu tháng 8-2023 cho đến nay, đã ghi nhận hơn 2.400 ca đau mắt đỏ. Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương, đau mắt đỏ nhanh chóng trở thành dịch vì tốc độ lây lan rất nhanh do tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi, chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như gối, khăn mặt, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi… sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh (ao hồ, bể bơi)… Thói quen dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, nếu vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt, bệnh thường diễn biến trong khoảng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, để bệnh kéo dài, thường xuyên tái phát, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, mù lòa…Đặc biệt, các bác sĩ cũng lưu ý nguy cơ dịch bệnh gia tăng khi học sinh quay trở lại trường học.
1. Bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch. Viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.
2.Triệu chứng viêm kết mạc cấp
Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông.
Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
3.Nguyên nhân viêm kết mạc
Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…)
4. Để phòng tránh lây lan của bệnh cần
Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.
Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như : đồ ăn – uống, chậu – khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…
Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.
Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.
* Một vài hình ảnh học sinh trường THCS Sài Đồng thực hiện vệ sinh đôi bàn tay và vệ sinh trường lớp sạch sẽ để chủ động phòng chống bệnh Viêm kết mạc cấp .
Học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch và không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
Vệ sinh bề mặt bàn ghế sạch sẽ vào cuối buổi học
Tổng vệ sinh môi trường lớp học sạch sẽ